People-First Content và E-E-A-T: Khi Google "cưng chiều" người dùng hơn cả thuật toán
Bạn đã sẵn sàng khám phá hai bí kíp để “cưa đổ" người dùng lẫn Google?
People-First Content là gì?
Bạn đã từng háo hức tìm kiếm thông tin về chiếc smartphone trong mơ? Hay loay hoay tìm cách "chữa bệnh" cho chiếc laptop đỏng đảnh? Bạn mong chờ điều gì từ Google?
❌ Chắc chắn không chỉ là những thông số kỹ thuật khô khan hay những hướng dẫn sửa chữa sơ sài.
Mà bạn sẵn sàng lục tung internet để tìm những bài review chân thực, có so sánh chi tiết, hình ảnh rõ ràng, thậm chí là video trải nghiệm thực tế.
Bạn muốn một hướng dẫn dễ hiểu, có hình ảnh minh họa từng bước, thậm chí là video hướng dẫn cụ thể, trên một giao diện thân thiện, dễ đọc.
Bạn muốn nội dung không chỉ hữu ích mà còn mang đến trải nghiệm tuyệt vời.
👉 Đó chính là People-First Content - nội dung đặt người dùng làm trung tâm, không chỉ mang đến giá trị đích thực, giải quyết đúng nhu cầu và mong muốn của họ, mà còn tạo ra trải nghiệm đọc thú vị và hấp dẫn.
Đối với Google, People-First Content là một nguyên tắc cốt lõi trong việc đánh giá và xếp hạng nội dung trên trang kết quả tìm kiếm.
Những yếu tố taọ nên People-First Content
Để đạt chuẩn People-First Content, nội dung của bạn cần đáp ứng các tiêu chí:
Chất lượng cao và hữu ích: Không chỉ cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy, mà còn phải giải quyết được vấn đề, trả lời được câu hỏi của người dùng hoặc mang lại cho họ những kiến thức mới. Ví dụ: một bài viết hướng dẫn tập Yoga cho người mới bắt đầu không chỉ liệt kê các tư thế mà còn giải thích chi tiết lợi ích của từng tư thế, hướng dẫn cách thực hiện đúng và an toàn, kèm theo hình ảnh hoặc video minh họa.
Trải nghiệm người dùng tốt: Bố cục rõ ràng, hình ảnh đẹp mắt, tốc độ tải nhanh, không có quảng cáo gây phiền nhiễu và tương thích với nhiều thiết bị.
Liên quan và phù hợp: Nội dung phải "trúng đích" với từ khóa tìm kiếm và ý định của người dùng. Ví dụ: khi người dùng tìm kiếm "cách làm bánh mì", kết quả trả về sẽ là các công thức làm bánh mì, chứ không phải bánh ngọt hay các loại bánh khác.
Độc đáo và mới mẻ: Nội dung phải là duy nhất, không sao chép và được cập nhật thường xuyên. Ví dụ: một bài viết chia sẻ kinh nghiệm khám phá những địa điểm "bí mật" ở Đà Nẵng sẽ thu hút sự chú ý hơn một bài viết tổng hợp những địa điểm đã cũ.
Tương tác và chia sẻ: Một bài viết hay không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, mà còn khơi gợi cảm xúc, suy nghĩ và chia sẻ của người đọc. Khi bạn đọc được một bài viết thú vị, bạn sẽ muốn chia sẻ nó với bạn bè trên mạng xã hội. Đó chính là tính tương tác và chia sẻ mà Google khuyến khích.
Ngoài ra, Google cũng "bật mí" 5 câu hỏi vàng để tạo ra People-First Content chuẩn chỉnh như sau: 👇
Liệu khách hàng mục tiêu của bạn có thấy nội dung này hữu ích khi truy cập trực tiếp vào trang web của bạn không?
Nội dung của bạn có thể hiện rõ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế (ví dụ: từ việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc trải nghiệm thực tế) không?
Trang web của bạn có một mục đích hoặc chủ đề chính rõ ràng không?
Sau khi đọc nội dung, người đọc có cảm thấy họ đã có đủ thông tin để đạt được mục tiêu của mình không?
Nội dung của bạn có mang lại trải nghiệm đọc thú vị và hài lòng cho người đọc không?
Nếu bạn tự tin trả lời "Có" cho cả 5 câu hỏi trên, xin chúc mừng! Bạn đang trên con đường trở thành người bạn đồng hành tin cậy của người dùng trên hành trình tìm kiếm thông tin rồi đó.
Vâỵ còn E-E-A-T là gì?
Cùng với People-First Content, Google sử dụng một bộ tiêu chí đặc biệt để "chấm điểm" chất lượng nội dung và website - E-E-A-T. Đây là những yếu tố then chốt giúp Google xác định xem nội dung của bạn có đáng tin cậy, hữu ích và xứng đáng được xếp hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm hay không.
Experience (Kinh nghiệm): Nội dung được viết bởi người có trải nghiệm thực tế về chủ đề sẽ luôn được đánh giá cao hơn. Hãy nghĩ xem, bạn sẽ tin tưởng lời khuyên về du lịch từ một travel blogger hay một người chỉ đọc về nó trên sách vở?
Expertise (Chuyên môn): Kiến thức chuyên sâu và sự hiểu biết về chủ đề là điều không thể thiếu. Đặc biệt với các lĩnh vực nhạy cảm như y tế, tài chính, luật pháp, người đọc luôn tìm kiếm thông tin từ các chuyên gia uy tín.
Authoritativeness (Tính thẩm quyền): Tác giả hoặc website có được công nhận trong lĩnh vực của mình hay không? Các giải thưởng, chứng chỉ, sự công nhận từ cộng đồng đều góp phần khẳng định tính thẩm quyền. Mục đích của website cần được nêu rõ ràng, thể hiện sự tập trung và chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể. Điều này giúp Google và người dùng hiểu rõ bạn là chuyên gia trong lĩnh vực nào và nội dung trên website của bạn có đáng tin cậy hay không.
Trustworthiness (Độ tin cậy): Đây là yếu tố quan trọng nhất! Dù nội dung có kinh nghiệm, chuyên môn và thẩm quyền đến đâu, nếu không đáng tin cậy thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Độ tin cậy đến từ tính chính xác của thông tin, sự minh bạch về nguồn gốc, và mức độ an toàn của website!
E-E-A-T đặc biệt quan trọng với những nội dung YMYL (Your Money Your Life) – những nội dung có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, hạnh phúc của người đọc. Đặc biệt, trong thời đại AI bùng nổ, việc tạo ra nội dung hàng loạt trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nội dung chất lượng, được viết bởi con người với kinh nghiệm thực tế lại càng trở nên "khan hiếm". Vì vậy, Google càng "ưu ái" những nội dung đáp ứng đủ các tiêu chí E-E-A-T.
Làm thế nào để bài viết của bạn đáp ứng cả về People-First Content và E-E-A-T ?
1/ Chia sẻ kinh nghiệm thực tế:
Đừng ngại chia sẻ những trải nghiệm cá nhân liên quan đến chủ đề.
Ví dụ, nếu bạn viết về du lịch Sapa, hãy kể về chuyến đi của mình, những điều bạn đã trải qua, những món ăn bạn đã thử. Hình ảnh và video của chân thực của chính bạn sẽ giúp tăng tính thuyết phục và hấp dẫn cho bài viết.
2/ Thể hiện kiến thức chuyên môn:
Hãy thể hiện kiến thức chuyên môn của bạn một cách rõ ràng.
Nếu bạn là một chuyên gia tài chính, hãy nêu rõ bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm làm việc của mình. Đưa ra những phân tích, đánh giá chuyên sâu để chứng minh bạn thực sự am hiểu về lĩnh vực này. Nếu bạn đang viết về sức khỏe, hãy trích dẫn các nghiên cứu y khoa hoặc ý kiến của các bác sĩ uy tín.
3/ Trích dẫn nguồn uy tín:
Trích dẫn các nguồn uy tín, như nghiên cứu khoa học, báo cáo chính phủ, hoặc các bài viết từ các chuyên gia khác.
Đảm bảo nội dung của bạn đầy đủ, chi tiết và được cập nhật thường xuyên. Nếu bạn có các giải thưởng hoặc chứng nhận liên quan đến lĩnh vực của bạn, hãy nêu rõ chúng.
4/ Đảm bảo tính chính xác và minh bạch:
Kiểm tra kỹ thông tin trước khi đăng tải, trích dẫn nguồn rõ ràng, và đảm bảo website của bạn an toàn với người dùng bằng các biện pháp bảo mật khác.
Hãy minh bạch về bất kỳ mối quan hệ tài chính nào có thể ảnh hưởng đến nội dung của bạn (ví dụ: bài đánh giá sản phẩm được tài trợ).
5/ Đánh giá và nhận xét của người dùng:
Tích cực khuyến khích khách hàng để lại đánh giá, nhận xét về sản phẩm, dịch vụ hoặc bài viết trên website.
Những phản hồi này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về trải nghiệm của khách hàng mà còn chứng minh tính xác thực và độ tin cậy của thông tin bạn cung cấp.
6/ Chính sách rõ ràng:
Đảm bảo cung cấp các chính sách minh bạch và dễ hiểu về bảo mật thông tin, quy trình thanh toán, điều khoản đổi trả hàng, v.v. Điều này giúp người dùng cảm thấy an tâm và tin tưởng khi sử dụng website của bạn.
7/Thông tin liên hệ:
Cung cấp thông tin liên hệ đầy đủ (số điện thoại, email, địa chỉ, v.v.) ở vị trí dễ dàng nhìn thấy trên website.
Điều này giúp người dùng dễ dàng liên hệ với bạn khi cần hỗ trợ hoặc giải đáp thắc mắc, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng và xây dựng lòng tin.
Tóm lại
People-First Content và E-E-A-T là hai yếu tố quan trọng giúp bạn tạo ra nội dung chất lượng, được Google và người dùng đánh giá cao. Hãy luôn đặt người dùng lên hàng đầu, cung cấp thông tin giá trị và đáng tin cậy, bạn sẽ thấy nội dung của mình được xếp hạng cao hơn và thu hút được nhiều độc giả hơn.
Unleash Your Content Potential with The Content Connection
Contact Information:
Email: danphuong0901@gmail.com
Facebook: Đan Phượng Nguyễn